Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày trọng đại của cả dân tộc; đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương - Lâm Thao - Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên và cội nguồn dân tộc là một ý thức đạo đức, là bổn phận của mỗi người. Niềm tin vào tổ tiên và sức mạnh của dân tộc là điểm tựa tinh thần rất thiêng liêng. Trong tâm thức nhân dân ta từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Vua thủy tổ dựng nước, là Tổ Tiên của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Trong đời sống tâm linh người Việt, Vua Hùng có một vị trí quan trọng đặc biệt linh thiêng.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng: Đền Hùng. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cử hành vào ngày mồng mười tháng ba.
Theo dòng lịch sử ngày Giỗ Tổ Hùng Vương dù được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng đã cách ngày nay hơn 2.000 năm có lẻ. Bắt đầu từ An Dương Vương - Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam đựợc trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng,búa dập”.
Thời Hồng Đức Hậu Lê, năm thứ nhất (1470); Bằng việc hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố soạn “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Thánh Vương Triều Hùng” thì vị thế Đền Hùng thờ các Vua Hùng được xác lập vững vàng trên nền tảng pháp lý của Nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam.
Đầu thế kỉ XX, dưới triều Nguyễn, năm 1917 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Thay vì ý thức hệ tâm linh và truyền thống văn hóa dân tộc.
Cứ đến ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/03 âm lịch hàng năm người dân ở khắp mọi miền đất nước dâng lên vua Hùng những sản vật tiêu biểu của văn hóa truyền thống, đó là bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu...
Tháng 12/2012, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự công nhận của thế giới trước tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng chính là sự đánh giá tầm quan trọng bậc nhất việc một dân tộc luôn biết gìn giữ văn hóa nguồn cội trong “vòng xoáy” hội nhập.
Lễ giỗ Tổ đang đến rất gần, đó không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.
Nguồn tin: BBT
Ý kiến bạn đọc